Chào mừng các bạn đã ghé thămZoom3g.wap.sh hãy giới thiệu tới bạn bè trang wap này nhé!
ZOOM3G.WAP.SH
Zoom3g site-Trang wap hay dành cho mobile + PC
Kể từ năm 2013 MZOOM sẽ chính thức ra mắt phiên bản wap mới nhất bao gồmphiên bản 3G dành cho các dòng máy smartphone + PC vàphiên bản 2G dành cho các dòng máy java...! Phiên bản 3G - Phiên bản 2G
Tình yêu với sức mạnh của nó có thể tạo nên những kì tích mà con người không thể ngờ tới. Ở nơi người ta chỉ nghĩ đến đớn đau và cái chết như trong trại phong, kì tích ấy đã xảy ra. Đó là một câu chuyện tình đẹp và đầy xúc động của vợ chồng ông Nguyễn Văn Năm và bà Trương Thị Sâm – trại Phong Sóc Sơn (thôn Thanh Trí, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội).
“Giấc mơ tình yêu” ở nơi bị người đời hắt hủi
Chúng tôi đến trại phong Sóc Sơn- Hà Nội vào đúng một ngày mưa tầm tã. Những khu nhà bệnh nhân ‘đứng co ro’ trong mưa lạnh. Những bức tường vôi đã cũ loang lổ dưới mưa, những ô cửa màu xanh buồn thiu khép chặt…
Thế nhưng, đằng sau dáng vẻ lặng lẽ, âm u ấy lại có những mảng màu sáng tươi đến bất ngờ. Câu chuyện tình của ông bà Năm – Sâm là một trong những mảng màu tươi tắn nhất.
“Đôi tình già của trại chúng tôi đấy! Cứ gặp rồi khắc biệt, tình củm lắm, tình củm lắm!” – bác Sợi, một bệnh nhân ở đây vui vẻ giới thiệu. Nói rồi, bà dẫn chúng tôi đến gặp hai cụ.Vợ chồng ông Nguyễn Văn Năm và bà Trương Thị Sâm hanh phúc bên nhau
Ông Năm tóc đã bạc, răng móm mém, còn bà thì gầy và bé nhỏ, tóc cũng sắp trắng hết cả. Hình ảnh đầu tiên chúng tôi được chứng kiến, là ông cụ ngồi hút thuốc, bà ân cần rót chén trà để bên. Đôi tay bà run run, đôi mắt đã hỏng một con mắt của ông ngước nhìn lên với nụ cười rạng rỡ… Chỉ trong một khoảnh khắc rất ngắn, nhưng thắm nghĩa vợ chồng.
“Lẩm cẩm quá, ai lại gần tám mươi rồi còn… hỏi chuyện tình yêu!” – bà cười xòa, có phần ngần ngại nhưng trong giọng nói vẫn toát lên vẻ tự hào.
Bà vốn là con gái Hà Nội, nhà trên phố Hàng Bột. Thời thiếu nữ, bà cũng xinh đẹp, khỏe mạnh như bao cô gái khác. Bất hạnh thay, năm hai mươi tuổi bắt đầu mắc bệnh, cả nhà bà đã vô cùng hoảng hốt.
“Cha mẹ thương con gái, gắng công chạy chữa thuốc Nam, thuốc Bắc mà chẳng ăn thua. Thế là, bốn năm sau, tôi dứt nhà đi vào trại điều trị. Chán chường, xấu hổ, tủi thân, nhiều lúc còn nghĩ quẩn… Trách móc ông trời chán chê, thì cũng đến chấp nhận như là định mệnh!” – bà chia sẻ.
Giữa độ xuân non, bà cay đắng gánh chịu căn bệnh bị người đời hắt hủi. Xa lìa mẹ cha, anh chị em, bà tưởng như mọi cánh cửa hạnh phúc đã đóng sập trước mắt mình.
Bà gặp, và trở thành bạn của ông cũng tại trại phong Quỳnh Lập như thế. “Yêu nhau thì phải có lúc bắt đầu…”- bà cười như trẻ lại khi đi vào những kỉ niệm khó quên trong tình yêu của mình.
“Lúc bắt đầu có tình cảm, tôi cũng đã 34, còn ông ấy 35 rồi. Chẳng còn trẻ trung gì để mà mơ mộng. Nhưng phải lòng nhau từ lời bông đùa của bạn của bè, từ câu chuyện ngang chừng cách nhau hai dãy nhà Nam – nhà Nữ. Ông ấy ngỏ lời lần thứ nhất, tôi không dám nhận lời. Biết đâu người ta đã có vợ có con ở nhà rồi cũng nên…” – bà chia sẻ. Thế là bà khéo léo “dằn lòng”.
Trong khi đó, tình yêu lại thổi vào cuộc sống của ông những niềm vui, niềm hạnh phúc không sao nén giữ được. Đến bây giờ, khi ngồi bên nhau, cùng nâng chén trà nóng, cùng cười xòa nhớ lại cái thuở không bé bỏng nhưng chưa hết dại ấy, hai ông bà chỉ cười.“Mãi sau tôi phải hai ba lượt về nhà mang giấy tờ có xác nhận ở xã lên bà ấy mới chịu “ưng” cơ đấy!” – ông hóm hỉnh nói.
Hạnh phúc nở hoa
Được gia đình ủng hộ, hai ông bà mau chóng làm đám cưới, đăng ký kết hôn rồi lại vội vàng về trại lo chữa chạy bệnh tật.
“Hơn bốn mươi năm vợ chồng là hơn bốn mươi năm gian truân, cơ cực. Nhưng nếu không có ông ấy, chẳng biết tôi còn sống được đến bây giờ hay không” – bà Sâm tâm sự.
Người ở trại phong ai cũng phải xuýt xoa trước những sự yêu thương mà ông bà dành cho nhau. Chưa bao giờ họ thấy hai ông bà cãi vã nhau to tiếng. Chỉ có cảnh tượng đầm ấm vẫn ngày ngày diễn ra trong ngôi nhà nhỏ, ông giúp bà chẻ củi, nhóm lửa nấu cơm.
“Cơm thì chỉ có canh rau, có hôm thì thêm tí đậu, tí trứng. Đạm bạc đấy nhưng ông ấy đều giúp tôi từ công việc nhỏ nhất, chẳng để phải một mình lọ mọ nên đến bữa cũng thấy ăn ngon hơn” – bà Sâm vừa nói vừa nở nụ cười mãn nguyện.
Đã trải qua không biết bao luân trầm, có duy nhất một điều mà cả cuộc đời này ông bà trăn trở. Ấy là họ đã không có được niềm hạnh phúc được làm cha, làm mẹ.
Bà Sâm nhẹ nhàng tâm sự: “Trước kia, chúng tôi cứ thấy bị bệnh là sợ, chẳng hiểu biết gì nên không dám có con, sợ ảnh hưởng đến con sau này. Giờ lên đây, thấy nhiều người cũng giống mình, họ vẫn sinh con đẻ cái bình thường mà nghĩ xót xa lắm”. Trong ánh mắt mờ đục của ông bà, niềm khát khao được làm mẹ, làm cha vẫn chưa tắt, vẫn mỗi ngày day dứt họ.
Chia sẻ về cuộc sống trong trại phong, bà Sâm bảo: “Tại đây cũng có nhiều người xây dựng gia đình, nhưng đa phần các cụ ông đều không chống chọi lại được với bệnh tật, sức khỏe yếu dần, chân tay bị mòn đi nhanh quá, các cụ cứ thế lần lượt ra đi. Giờ hai thân già này chỉ sợ ai đi trước, thì người ở lại càng khổ. Bữa nào cũng động viên ông ăn nhiều hơn để lấy sức khỏe, bớt hút thuốc đi cho khỏi hại người, cho tôi đỡ khổ”.
Khi được hỏi về kỉ niệm đáng nhớ nhất trong suốt những năm tháng sống cuộc sống vợ chồng, ông Năm bồi hồi nhớ lại lần bà Sâm rơi vào tình trạng “thập tử nhất sinh. Ông túc trực ngày đêm, săn sóc bà dù lúc ấy ông cũng đang điều trị mắt bị đục thủy tinh thể. Đến khi bà gượng dậy đi lại được thì một con mắt của ông cũng hỏng.
Chuyện đời cảm động của đôi vợ chồng già khiến người ta không khỏi xúc động. Những đôi bàn tay, những đôi chân chẳng còn được nguyên vẹn, ngay cả gương mặt họ cũng bị bệnh tật làm cho xù xì. Nhưng điều đó chẳng thể khiến cho họ vơi bớt đi niềm lạc quan vui sống, để họ nương tựa vào nhau khi đã đi gần hết cả một đời người.
Chính hạnh phúc mà ông Năm – bà Sâm đang có đã giúp nhen lên ngọn lửa của sự sống ở nơi mà hàng ngày, hàng giờ người ta chỉ biết phó thác tính mệnh mình cho số phận.